Bắt đầu từ đâu để mua một giấc mơ nhiếp ảnh ?
Bắt đầu từ đâu để mua một giấc mơ nhiếp ảnh ?
Bạn chẳng thể “nhúc nhích” gì nhiều với 1 chiếc máy ảnh điện thoại, hay một chiếc máy ảnh compact ống kính gắn liền – bạn sẽ chỉ ghi lại cảnh sinh hoạt, du lịch và an phận thủ thường ^^.
Nhưng khi bạn định mua một hệ thống thay đổi ống kính, cụ thể là dàn máy DSLR thì thực tế là bạn đang mua một giấc mơ nhiếp ảnh, một giấc mơ chưa hoàn thiện. Sở dĩ chưa hoàn thiện là vì phần đông trong chúng ta chỉ có hoặc chỉ dành một số tiền khởi điểm mua một thân máy trung bình và một hai ống kính ban đầu vậy nhưng đích đến của chúng ta là những bức ảnh làm cho người xem phải sững sờ ngưỡng mộ.
Chúng ta thường chưa có nhiều kiến thức, kỹ năng chụp cũng như chưa định hình cụ thể phong cách nào là chủ yếu, khi mới bắt đầu. Cũng có bạn có khá nhiều tiền, nhưng việc thăm dò ban đầu / không đầu tư quá nhiều ngay một lúc là hoàn toàn có lý. Như vậy thì bạn bắt đầu bằng một hệ thống rất cơ bản với giấc mơ / đích tới tương đối xa: có thể là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, hoặc một tay amateur sành sỏi.
Thực tế trên quãng đường hoàn thiện giấc mơ, một tỷ lệ kha khá bỏ cuộc, một tỷ lệ khá lớn hoàn toàn hài lòng với thiết bị đang sẵn có và từ bỏ ý định nâng cấp và chỉ còn một tỷ lệ nhỏ “điên cuồng” chạy đua vũ trang – trở thành người nghiện thiết bị nhiếp ảnh / hoặc trở thành nhiếp ảnh gia nghiêm túc (mà cả hai đều rất hay). Ở thời điểm đó – có thể nói rằng giấc mơ đã thành hiện thực.
Nói một cách ngắn gon, trong đám đông nuôi mộng nhiếp ảnh và mua DSLR thì sẽ chỉ còn lại số nhỏ đeo đuổi và đạt được giấc mơ của mình. Nhưng ai cấm chúng ta bắt đầu một giấc mơ đẹp, thực sự là đẹp, cũng chẳng tốn kém hơn các trò chơi khác như golf, tennis, âm thanh hay xe cộ.
Đa nhiệm. Nikon D80 và ống kính 85mm f/1.8 none D.
Hãy thử “nghiên cứu” một số hãng bán “giấc mơ” coi sao
- Canon, Nikon: đập vào mắt bạn là những tay máy chuyên nghiệp thể thao, thời sự, máy ảnh được NASA sử dụng abc, xyz …. đây chẳng phải là cái đích tới hay sao? Mua máy của hai hãng này gần như đảm bảo 50% việc “đi đúng hướng”. Tuy nhiên, Tuy nhiên, Tuy nhiên ^^ Việc hai hãng này làm ra những thiết bị nhiếp ảnh chuyên nghiệp tốt nhất chưa khẳng định là tất cả, hay một thiết bị cụ thể nào đó, nhất là thiết bị khởi điểm, là “tốt” và “giàu tính năng” hơn hẳn những chiếc khởi điểm của hãng khác.
- Pentax: những người nghiên cứu nhiều về pentax sẽ biết Pentax có những chiếc máy medium format (ngon hơn DSLR) rất tốt với giá hợp lý; ừ thì mười ngàn đô là “hợp lý” nếu so với những đối thủ khác giá 30 ngàn. Nhưng phần đông dân chúng không thấy “đỉnh cao fullframe” của Pentax mà chỉ thấy crop, và vì vậy thiếu động lực mua máy của hãng này. Mặc dù ống kính và những chiếc máy tầm trung (APS-C) của Pentax được đánh ra khá cao và qua mặt những chiếc cạnh tranh cùng cấp của những hãng khác.
- Sony Alpha SLT: tuy không phải là DSLR nhưng cơ bản là như vậy, trừ việc nó sử dụng ống ngắm điện tử và thiệt sáng một chút xíu để đổi lại khả năng lấy nét nhanh và liên tục. Dòng Alpha xx vẫn có fullframe với những ống kính rất tốt từ Sony cũng như Zeiss. Trước đây chiếc Fullframe A900 của Sony được những tay máy chuyên nghiệp đánh giá rất cao, nhưng nó thiếu những thiết bị phụ trợ để có thể được ưa thích trong giới chuyên nghiệp. Nếu không ngại electronic viewfinder và thích Sony thì đây cũng là một lựa chọn.
Ngoài ra, các hãng chủ yếu sản xuất mirrorless bao gồm Fujifilm, Olympus, Panasonic, và kể cả những hãng đã nói đến ở trên như Sony, Canon Nikon, Leica có sản xuất mirrorless …. đều cho ra những chiếc máy từ OK tới tuyệt vời về tính năng và chất lượng hình ảnh, xứng đáng sở hữu. Nhưng có thể nói (một cách tranh cãi) rằng mirrorless không hẳn là “giấc mơ nhiếp ảnh” mà là “sáng tạo trong khuôn khổ” ^^
Máy lớn medium format như Phase One, Hasselblad … họ không có những chiếc “khởi điểm” mà nó là điểm đến của những giấc mơ lớn
Trở lại vấn đề ban đầu: có thể nói một cách đơn giản rằng gần như tất cả những chiếc máy (không pro) DSLR (và kể cả mirrorless) của các hãng có tên tuổi đều có thể làm cho bạn bắt đầu một GIẤC MƠ NHIẾP ẢNH. Và hoàn toàn bình thường nếu bạn bắt đầu và … không nuôi giấc mơ nữa hoặc chuyển hãng bán giấc mơ.
Sau đây là những thứ bạn có thể quan tâm (không theo thứ tự quan trọng) khi bắt đầu một giấc mơ:
- Hãng ưa thích
- Muốn tự mình độc lập nuôi giấc mơ của mình hay phụ thuộc bạn bè về việc mượn ống kính, hay tính toán kinh tế theo kiểu nếu nâng cấp bán thì … ít lỗ
- Khả năng kinh tế hiện tại và khả năng thêm tiền trong tương lai gần
- Sự thoải mái và dễ chịu khi cầm máy trên tay, bấm hệ thống điều khiển và hệ thống menu
- Chiếc máy + ống kính nào cho HÌNH ĐẸP NHẤT ngay tại thời điểm mua / hay tiềm năng phát huy tối đa khi mua thêm ống kính (khi nâng cấp sau này)
- Danh tiếng và những ống kính / thiết bị phụ trợ của một hãng nào đó hoặc hãng thứ 3
- Thể loại nhiếp ảnh mà mình ưa thích (hơn) – và các điểm mạnh của hãng nào đó trong thể loại ảnh đó.
- Các tính năng gia tăng như GPS, Wifi, FullHD ….
Và sau cùng, giấc mơ của bạn là của chính bạn, phương tiện máy móc chỉ là công cụ phục vụ. Kiến thức nhiếp ảnh giúp bạn sử dụng công cụ tốt hơn và tạo cảm hứng sáng tạo. Bạn có quyền mắc “sai lầm nho nhỏ” nếu mua phải một thiết bị chưa hoàn toàn đáp ứng tối đa nhu cầu của mình và nên đổi chứ đừng âm thầm ôm hận hoặc phải giấu sai – rất không tốt cho sức khoẻ
Nguồn Dr. Thanh – tinhte.vn
nghĩa là phải có tiền tiền và tiền để mua giấc mơ nầy ah? 🙁
rất hay cảm ơn admin