Làm phim quảng cáo luôn là một trong những lĩnh vực vô cùng hấp dẫn các bạn trẻ bởi nhiều yếu tố: sự sáng tạo và đổi mới, có cả tính kỹ thuật và nghệ thuật, môi trường làm việc năng động, mức thu nhập rất hấp dẫn… Tuy nhiên việc tiếp cận với ngành làm phim quảng cáo chuyên nghiệp cũng không hề dễ dàng một chút nào, vì sự cạnh tranh năng lực cũng diễn ra rất là cam go. Một người công tác trong lĩnh vực này cần am tường khá nhiều kỹ năng khác nhau “từ cứng cho tới mềm”, bao gồm kiến thức về Truyền thông, Marketing, Quản lý sản xuất (Producer), cho tới cả những chuyên môn về kỹ thuật như Quay phim, Dựng phim, Kỹ xảo, Âm thanh…

Làm phim quảng cáo là công việc sáng tạo và hấp dẫn

Nếu bạn chưa biết một chút gì về lĩnh vực này, lời khuyên là hãy trang bị ngay cho mình những kiến thức nền tảng về Marketing – Truyền thông – Quảng cáo trước đã. Rất nhiều bạn có suy nghĩ sai lệch rằng làm phim quảng cáo thì chỉ cần cứ thật là sáng tạo, độc đáo thì sẽ tạo ra được một video hấp dẫn. Điều đó hoàn toàn sai lầm, bởi phim quảng cáo là một sản phẩm video có thể được phát ở nhiều kênh truyền thông khác nhau (như trên tivi, màn hình công cộng, website..) với mục tiêu gây được ấn tượng mạnh mẽ và đem tới những thông tin “đáng giá” nhất cho ĐÚNG ĐỐI TƯỢNG NGƯỜI XEM (chính là đối tượng khách hàng mà sản phẩm / dịch vụ đó đang hướng đến). Vì vậy đây không hề đơn thuần chỉ là kết quả sáng tạo của cá nhân bạn, mà phải dựa trên rất nhiều nguyên tắc, kiến thức tâm lý, các kết quả nghiên cứu / khảo sát khác nhau về đối tượng khách hàng đó, để nội dung trong phim quảng cáo của bạn có thể “đi trúng đích”. Vậy làm sao bạn làm được điều khó nhằn này nếu chưa nắm được những kiến thức cơ bản đúng không nào?

 

Làm phim quảng cáo không đơn giản chỉ là làm một đoạn phim

Như đã nói ở trên thì làm phim quảng cáo là nhắm đến một số đối tượng người xem nhất định, vậy còn mục tiêu của phim quảng cáo là gì?

cocacola tvc

Mục tiêu lớn nhất của phim quảng cáo là thúc đẩy người xem “nhấc mông lên và đi” tìm mua sản phẩm hoặc sử dụng dịch vụ đang được quảng cáo. Bên cạnh đó cũng còn những mục tiêu khác, ví dụ như là đưa ra một thông điệp gì đó “đầy chất nhân văn” để khách hàng dần có thiện cảm và lòng tin vào thương hiệu, hoặc lấy lại “thanh danh” của thương hiệu sau một cuộc khủng hoảng truyền thông nào đó chẳng hạn…

Ngoài ra, do thế giới truyền thông quảng cáo đang ngày càng phát triển, văn hóa xã hội thay đổi chóng mặt, tâm lý con người cũng theo đó mà biến hóa khôn lường, nên đã xuất hiện những cách thức truyền thông mới khá là “ngược đời” – ví dụ như làm phim quảng cáo với mục tiêu là khiến cho người xem bực mình và “ghét cay ghét đắng” cái thương hiệu đang xem (bạn có còn nhớ cái TVC quảng cáo “Cộppp!!! Kăng-ga-ru, máy lọc nước hàng đầu Việt Nam!!  Cộppp!!! Kăng-ga-ru, máy lọc nước hàng đầu Việt Nam!!!!!!” không ạ?  ). Đó là một trong những chiêu thức hiện nay được một số thương hiệu dùng để khiến cho người xem ghi nhớ nhanh nhất tên tuổi của họ, và chấp nhận bị ghét, rồi sau này họ sẽ tìm cách lấy thiện cảm lại sau.

what-are-some-signs-you-watch-too-much-tv

Bạn thấy đó, ví dụ vừa nêu tuy nghe có vẻ phản cảm, nhưng thật ra đó cũng là một trong những chiêu bài truyền thông được nghiên cứu dựa trên tâm lý, thói quen của người xem hẳn hoi, chứ hoàn toàn không phải “làm đại” đâu các bạn ạ. Tóm lại, để có thể chọn cách thức truyền thông nào, làm phim quảng cáo có nội dung như thế nào, cũng đòi hỏi kiến thức và sự nghiên cứu, phân tích rất kỹ lưỡng.

Tại sao bạn cần có cả kiến thức về kỹ thuật làm phim quảng cáo (Quay phim, Dựng phim, Kỹ xảo, Âm thanh…) ?

Nói một cách dễ hiểu là bạn cần phải nắm được cơ bản những kỹ năng đó để kiểm soát mọi thứ một cách tốt nhất. Đừng nghĩ rằng bạn chỉ cần nghĩ ra ý tưởng là được, và mọi khâu còn lại là do người khác làm. Nếu làm việc trong môi trường Agency (công ty quảng cáo) chuyên nghiệp, bạn sẽ thường xuyên phải theo sát quá trình sản xuất phim quảng cáo đó.

Mặt khác, làm phim quảng cáo là một công việc rất tốn kém (để có 1 đoạn TVC 30 giây thường phải mất vài chục ngàn USD), nên không thể có chuyện “làm thử, làm nháp” được. Vì vậy ở giai đoạn ban đầu khi hình thành ý tưởng, nếu bạn biết những kỹ năng Quay phim, Dựng phim, Kỹ xảo, Âm thanh… thì có thể thử biến ý tưởng của mình thành 1 đoạn phim quảng cáo demo để tự đánh giá xem hiệu quả của nó như thế nào. Và nếu bản demo đó thấy ổn thì bạn dùng để trình ý tưởng lên các sếp hoặc đi thuyết trình ý tưởng cho khách hàng cũng sẽ “ép phê” hơn nhiều, và khả năng ý tưởng được duyệt sẽ rất cao.

present meeting

Tuy nghe qua thấy có khá nhiều thứ phải biết, phải học, nhưng mà bạn cũng đừng vội nản chí. Nếu trở thành một người giỏi trong lĩnh vực này thì rõ ràng phần thưởng và lợi ích mà bạn nhận được cũng không hề nhỏ. Hơn nữa đây vốn là một trong những công việc luôn được xếp vào hàng hấp dẫn và thú vị nhất hiện nay và chưa bao giờ hết “hot”. HọcDựngPhim.vn xin chúc bạn kiên trì theo đuổi ước mơ làm phim quảng cáo của mình và sớm gặt hái thành công nhé.

Nguồn hocdungphim.vn