Play the fashionable Aviator game from the famous bookmaker Mostbet and get a dose of adrenaline and unforgettable emotions!

Bảo vệ dữ liệu quý giá của bạn với hệ thống NAS

Là một người làm thiết kế đồ họa, photoshop , corel , dựng phim … hay nhiếp ảnh , bạn hẳn sẽ hiểu được rằng dữ liệu của bạn quý giá như thế nào . Một ngày đẹp trời , ổ cứng của bạn chứa hàng ngàn GB dữ liệu tự nhiên lăn ra “chết” , lúc đó tôi và bạn hoặc mọi người cùng hoàn cảnh sẽ có một cảm xúc như nhau 🙂 Vậy đừng để điều đó xảy ra , hãy cùng dohoafx.com tìm hiểu một hệ thống lưu trữ dữ liệu tuyệt đối an toàn dành cho dữ liệu của bạn , đó là NAS

NAS là gì?

NAS là từ viết tắt của Network Attached Storage, tạm dịch tiếng Việt là thiết bị lưu trữ gắn vào mạng. Dịch thì nghe nghĩa của nó rất hẹp nhưng NAS làm được rất nhiều việc và công việc chính là tập trung hóa toàn bộ dữ liệu của người dùng cho dễ quản lý. Chúng ta cần phân biệt rõ NAS và DAS (direct attached storage) nhé, NAS thì không gắn trực tiếp vào máy tính như DAS mà nó sẽ kết nối vào mạng. NAS thường được sử dụng để lưu trữ, chia sẻ file và đặc biệt là streaming các dữ liệu đa phương tiện trong thời gian gần đây. Với các hệ thống NAS thì bạn có đi ra khỏi nhà, văn phòng vẫn truy cập được dữ liệu ở nhà một cách dễ dàng.

Các hệ thống NAS hiện đại cũng có thể hình dung như 1 máy chủ thu nhỏ bởi nó cũng có CPU, cũng có RAM và chạy những phiên bản hệ điều hành nhúng thu gọn (thường là Linux) cũng như có khả năng kết nối mạng qua cổng Ethernet hay thậm chí là kết nối không dây như Wi-Fi. Để lưu trữ dữ liệu thì NAS thường dùng ỗ gắn trong tuy nhiên một số thiết bị còn hỗ trợ kết nối với thiết bị gắn ngoài hay thậm chí là USB nhớ. Thị trường NAS hiện nay khá là đông đúc và bạn có thể lựa chọn bất cứ thứ gì mình thích, những NAS chỉ hỗ trợ ổ lưu trữ gắn ngoài thông qua USB thường nhỏ và rẻ hơn rất nhiều so với các NAS sử dụng ổ cứng gắn trong. Một số NAS nâng cao khác lại hỗ trợ những tính năng như thiết lập máy chủ web, quản trị từ xa hay các thiết lập ổ cứng theo chế độ RAID.

Thị trường NAS hiện nay thường chia làm 3 hạng mục chính. Đầu tiên là các NAS cho khách hàng cá nhân thường chỉ hỗ trợ các cổng USB và gắn ổ cứng chết. Tiếp đến là các NAS nâng cao hơn một chút, chẳng hạn như hỗ trợ các giao tiếp iSCSI cho văn phòng nhỏ và người dùng cao cấp. Cuối cùng, ta có các NAS xịn nhất hỗ trợ các giao thức RAID, Active Directory, Web Server, Firewall,…

Những điều cơ bản về NAS

Dung lượng NAS: Dung lượng mà 1 ổ NAS hỗ trợ thường ảnh hưởng rất nhiều đến giá của nó. Các ở NAS cho khách hàng cá nhân thường ít hỗ trợ ổ SATA gắn trong mà dùng ổ cứng gắn ngoài thông qua cổng USB. Một số NAS loại này có tới 4 cổng USB hỗ trợ các ổ cứng tới dung lượng cả TB. Điều thiếu sót ở các ổ này thường lại không hỗ trợ các phương thức bảo vệ dữ liệu như RAID 1 hay tăng tốc như RAID 0. Ngoài ra, trong khi các hệ thống NAS ổ cứng gắn trong hỗ trợ rất nhiều phương thức quản lý khác nhau và gần như không bị giới hạn dung lượng lưu trữ của 1 ổ cứng (tối đa 3TB/1 ổ hiện tại) thì nhiều NAS gắn ngoài USB bị giới hạn vài trăm GB hay thấp hơn trên 1 cổng. Do vậy mà bạn phải tìm hiểu rõ với nhà sản xuất trước khi mua.

Thông thường các ổ NAS đi kèm sẵn ổ cứng bên trong sẽ rẻ hơn là mua riêng. Tuy vậy, vẫn có những trường hợp ngược lại và khi này bạn hãy mua loại không ổ (disk less) và tự lắp các ổ rời vào. Việc lắp đặt thường rất đơn giản nhưng bạn hãy lưu ý loại ổ cứng được NAS hỗ trợ nhé. Không phải ổ cứng nào cũng hỗ trợ sử dụng với NAS đâu, danh sách ổ cứng tương thích thường được đặt trên website của nhà sản xuất đó.

Với các ổ cứng doanh nghiệp thì không cần phải nói đến khả năng mở rộng của chúng.

NAS không dây hay có dây?: Hầu hết các NAS mới trên thị trường đều hỗ trợ Gigibit Ethernet thay cho mạng 100Mbps chậm chạp trước kia. Một số NAS thậm chí còn hỗ trợ tới 2 cổng Ethernet cho Port Trunking, tính năng này sẽ dự phòng 1 cổng hỏng và ngay lập tức thay bằng cổng kia nhằm bảo đảm khả năng kết nối, ngoài ra nó cũng kết hợp 2 đường Ethernet của NAS nằm tăng tốc độ truyền tải dữ liệu. Bạn có thể kết nối NAS với router hay switch để nối nó với mạng đang sử dụng. Rất nhiều NAS có sẵn DHCP và sẽ tự động nhận địa chỉ IP từ mạng. Nếu muốn quản lý từ xa thì bạn nên gán cho nó một địa chỉ IP tĩnh.

Các thiết NAS hỗ trợ không dây sẵn thì hiếm hơn loại có dây khá nhiều và chúng cũng gặp 1 số vấn đề như độ trễ thường lớn hơn các loại dùng dây. Dù vậy thì ngày càng nhiều NAS được ra mắt với WiFi tích hợp sẵn chuẩn N hoặc các lựa chọn cho phép gắn USB WiFi vào. Bất lợi của việc sử dụng WiFi là tốc độ của nó khá chậm, nhanh như WiFi n mới nhất 450Mbps cũng chưa bằng 1 nửa so với Gigabit Ethernet. Trừ trường hợp bạn muốn stream video qua WiFi hay download/upload liên tục thì không nên bỏ tiền vào các tùy chọn này, hãy dùng chúng nâng cấp ổ cứng hoặc router.

Sức mạnh xử lý: Cũng giống như máy tính, các thiết bị NAS cũng có bộ nhớ RAM và vi xử lý của riêng mình. Và tất nhiên, bộ xử lý càng nhanh, RAM càng nhiều thì NAS đó có hiệu năng càng cao. Bạn đừng lầm tưởng bộ xử lý cho NAS cũng đòi hỏi phải như máy vi tính nhé, những NAS cao cấp nhất hiện tại sử dụng những chú ATOM 2 nhân như D510 mà thôi. Nếu nhu cầu của bạn càng cao, thực hiện các thao tác hoạt động I/O liên tục thì nên đầu tư vào những bộ NAS dùng chip ATOM, các NAS rẻ hơn thường dùng chip Marvell. Vài NAS cho phép ta nâng cấp RAM nhưng hầu hết đều gắn chết vào mainboard.

Hệ điều hành: Nếu bạn dùng Windows thì không phải lo lắng nhiều về điều này, hầu hết các hệ thống NAS đều hỗ trợ Windows đầy đủ. Người dùng Mac cũng không phải lo lắng quá nhiều, một số NAS hỗ trợ hệ thống sao lưu định kỳ Time Machine của Mac OSX. Những bạn dùng Linux thì nên sử dụng những bản Linux phổ biến, dù sao thì không phải NAS nào cũng hỗ trợ Linux.

Hệ thống sao lưu và phục hồi của NAS: NAS chỉ có giá trị chừng nào nó còn lưu giữ được dữ liệu của bạn. Các NAS cao cấp thường có những tùy chọn thiết lập RAID hay các hệ thống cảnh báo hỏng hóc ổ cứng và những vấn đề nghiêm trọng.

Việc phục hồi dữ liệu trong những trường hợp xảy ra hỏng hóc cũng là một vấn đề cần được quan tâm. Những NAS cho doanh nghiệp thường hỗ trợ tính năng trao đổi đĩa cứng nóng (hot-swap), cho phép thay đổi đĩa cứng mà không phải ngắt nguồn hay ảnh hưởng đến hiệu năng hoạt động của ổ. Một số NAS còn hỗ trợ sao lưu dữ liệu trong ổ cứng lên máy chủ đám mây, một giải pháp cực kỳ an toàn khi dữ liệu của bạn được lưu trữ ở 2 khu vực hoàn toàn tách biệt. Nhà sản xuất thường dùng thuật ngữ hybrid cho giải pháp này và nó được áp dụng với những dữ liệu cực kỳ quan trọng. Nếu không dùng mày chủ của nhà sản xuất thì các NAS cho khách hàng cá nhân cũng có thể hỗ trợ các dịch vụ sao lưu đám mây khác.

Không chỉ dữ liệu mà cấu hình của NAS cũng cần được lưu lại, có lẽ bạn không muốn cứ phải thiết lập đi thiết lập lại mỗi NAS riêng lẻ trong hệ thống của mình đâu phải không? Một số NAS còn cho phép người dùng cắm ổ cứng vào cổng USB rồi sao lưu ra đó.

Tiếng ồn: Có nhiều hệ thống NAS rất ồn ào, cực kỳ ồn ào khi mà 4 ổ cứng quay cùng lúc, quạt tản nhiệt cũng chạy vù vù. Do vậy, bạn nên thử nghiệm trước khi mua NAS vì có thể bị khó chịu với nó đấy. Tiếng ồn không phải là một vấn đề lớn ở các doanh nghiệp có khu vực để máy chủ riêng nhưng hẳn sẽ gây khó chịu cho khách hàng cá nhân.

Mức tiêu thụ điện: NAS được tạo ra để tiết kiệm điện so với những hệ thống máy chủ mạng. Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý các giải pháp mà nhà sản xuất cung cấp có đầy đủ không, có NAS cho phép quản lý quạt, điện năng tiêu thụ hay chỉ chạy quạt khi nhiệt độ đạt đến ngưỡng nào đó. Các NAS doanh nghiệp thậm chí còn có thể kiểm soát cả dòng điện của CPU…

Điều khiển từ xa: Càng ngày càng có nhiều NAS hỗ trợ quản lý từ xa, chẳng hạn như các dịch vụ trên nền đám mây hay quản lý thông qua giao diện web. Tích hợp vói các dịch vụ nền đám mây là một tính năng rất quan trọng nếu bạn muốn chia sẻ dễ liệu dễ dàng hơn với bạn bè và người thân.

Phần mềm và dịch vụ NAS: Mặc dù các phần mềm đi kèm NAS chủ yếu tập trung vào việc streaming file đa phương tiện và sao lưu hệ thống nhưng có một số nhà sản xuất khá nhanh nhạy khi hỗ trợ máy chủ FTP, tải BitTorrent, máy chủ iTunes hay thậm chí là Telnet. Một số khác cao cấp hơn còn có cả MySQL, Web quản lý camera IP.

Bảo mật cho NAS: Bảo mật luôn là một vấn đề cần cân nhắc, dù cho bạn dùng NAS ở nhà hay công ty. Bạn nên chọn NAS nào hỗ trợ mã hóa file hay thậm chí là bảo vệ bằng tường lửa. Các NAS doanh nghệp cũng hỗ trợ các phương thức bảo vệ vật lý khác như lỗ khóa Kensingto hay K-Slots.

Tìm hiểu về chế độ RAID bảo vệ dữ liệu của NAS

RAID là gì ?

Nhiều người có thể đã gặp thuật ngữ RAID, và có thể chưa hiểu, hoặc hiểu lơ mơ một chút rằng chúng là cách thiết lập các ổ cứng trong máy chủ, máy trạm hoặc một số máy tính cá nhân cao cấp (còn gọi là hàng “khủng”). Trong bài này tôi xin giới thiệu về chúng ở mức cơ bản nhất để người đọc hiểu được khái niệm, và nếu sau đó bạn muốn tìm hiểu sâu thêm thì có thể tiếp tục với một số nguồn tài liệu đã chỉ ra ở mục tham khảo của bài viết này.

Một cách định nghĩa cơ bản thì RAID (nhóm các chữ đầu của các từ tiếng Anh sau: RedundantArrays of Independent Disks) là hình thức ghép nhiều ổ cứng vật lý thành một hệ ổ cứng có chức năng gia tăng tốc độ đọc/ghi dữ liệu hoặc nhằm tăng thêm sự an toàn của dữ liệu chứa trên hệ thống đĩa hoặc kết hợp cả hai yếu tố trên.

LỊCH SỬ

Lần đầu tiên RAID được phát triển năm 1987 tại trường Đại học California ở Berkeley với những đặc điểm chỉ ghép các phần đĩa cứng nhỏ hơn thông qua phần mềm để tạo ra một hệ thống đĩa dung lượng lớn hơn thay thế cho các ổ cứng dung lượng lớn giá đắt thời bấy giờ.

Mặc dù hiện nay không tồn tại nữa, nhưng Hội đồng tư vấn phát triển RAID (RAID Advisory Board: Viết tắt là RAB) đã ra thành lập tháng 7 năm 1992 để định hướng, lập ra các tiêu chuẩn, định dạng cho RAID. RAB đã phân ra các loại cấp độ RAID (tôi dịch từ từ: level), các tiêu chuẩn phần cứng sử dụng RAID. RAB đã phân ra 7 loại cấp độ RAID từ cấp độ 0 đến cấp độ 6. Cấp độ ở đây không được hiểu rằng cứ cấp độ cao là cao cấp hoặc là “đời sau”, mà chúng chỉ phân biệt rằng giữa loại RAID này và loại RAID khác, (nhưng lại được sử dụng để giải thích giữa các loại với nhau).

CÁC LOẠI RAID CHUẨN

Theo RAB thì RAID được chia thành 7 cấp độ (level), mỗi cấp độ có các tính năng riêng, hầu hết chúng được xây dựng từ hai cấp độ cơ bản là RAID 0 và RAID 1.

RAID 0

RAID 0 là cấp độ cơ bản: Các dữ liệu cần chứa trên hệ thống RAID 0 được phân tách thành hai phần để chứa trên tối thiểu hai ổ cứng khác nhau.

Một cách đơn giản nhất, ta có thể hiểu theo ví dụ sau: Có hai ổ cứng: Ổ 0 và ổ 1 (trong tin học thường đánh số thứ tự bắt đầu từ số 0 – điều này hơi khác thường đối với tư duy của bạn, nhưng nếu như bạn muốn hiểu về nó thì hãy chấp nhận như vậy), với dữ liệu mang nội dung A (có thể phân tách thành hai phần dữ liệu bằng nhau là A1 và A2) sẽ được ghi lại ở cùng trên hai đĩa: Đĩa 0 ký tự dữ liệu A1 và đĩa 1 chứa dữ liệu A2. Khi đọc dữ liệu A này thì đồng thời cả hai ổ cứng đều hoạt động, cùng lấy ra dữ liệu A1 và A2 trên mỗi ổ cứng. Hệ điều hành sẽ tiếp nhận được nguyên vẹn nội dung dữ liệu A như nó được ghi vào.

Qua ví dụ trên có thể nhận thấy rằng tốc độ đọc và ghi dữ liệu của hệ thống RAID 0 được tăng lên gấp đôi (cùng một thời điểm cùng đọc và cùng ghi trên cả hai ổ cứng vật lý khác nhau). Do đó RAID 0 rất phù hợp với các hệ thống máy chủ, các máy tính của game thủ khó tính hoặc các máy tính phục vụ việc đọc/ghi dữ liệu với băng thông cao. Ở máy chủ, ta biết rằng việc truy cập dữ liệu để phục vụ người truy xuất được tiến hành hầu như đồng thời (ví dụ bạn đang truy cập vào máy chủ chứa các nôi dung của blog này, thấy rằng trong một thời điểm thì không chỉ có bạn, mà còn có rất nhiều người khác cùng tham gia truy cập, như vậy nếu như máy chủ chỉ có một ổ cứng thì việc truy cập sẽ rất chậm)

Cũng trong ví dụ trên, nếu như xảy ra hư hỏng một trong hai ổ cứng thì sẽ ra sao ?. Câu trả lời là dữ liệu sẽ mất hết, bởi dữ liệu cùng được tách ra ghi ở hai đĩa không theo dạng hoàn chỉnh. Trong ví dụ trên, nếu như chỉ còn một chữ A1 (hoặc A2) thì hệ thống không thệ nhận biết chính xách đầy đủ dữ liệu được ghi vào là A. Vậy đặc điểm của RAID 0 sẽ là làm tăng băng thông đọc/ghi dữ liệu, nhưng cũng làm tăng khả năng rủi ro của dữ liệu khi hư hỏng ổ cứng.

RAID 1

RAID 1 cũng là một cấp độ cơ bản. Từ các nguyên lý của RAID 0 và RAID 1 có thể giải thích về các cấp độ RAID khác.

RAID 1 là sự kết hợp của ít nhất hai ổ cứng trong đó dữ liệu được ghi đồng thời trên cả hai ổ cứng đó. Lặp lại ví dụ trên: Nếu dữ liệu có nội dung A được phân tách thành A1, A2 thì RAID 1 sẽ ghi nội dung A được ghi tại đồng thời cả hai ổ cứng 0 và ổ cứng 1 (xem hình RAID 1).

Mục đích của RAID 1 là tạo ra sự lưu trữ dữ liệu an toàn. Nó không tạo ra sự tăng tốc độ đọc và ghi dữ liệu (tốc độ đọc/ghi tương đương với chỉ sử dụng duy nhất một ổ cứng). RAID 1 thường sử dụng trong các máy chủ lưu trữ các thông tin quan trọng. Nếu có sự hư hỏng ổ cứng xảy ra, người quản trị hệ thống có thể dễ dàng thay thế ổ đĩa hư hỏng đó mà không làm dừng hệ thống. RAID 1 thường được kết hợp với việc gắn nóng các ổ cứng (cũng giống như việc gắn và thay thế nóng các thiết bị tại các máy chủ nói chung).

RAID 2

RAID 2 thì ít được sử dụng trong thực tế, cũng có ít tài liệu nói về nó do đó tôi chưa tìm hiểu kỹ được. Trên trang AC&NC Raid có giải thích về RAID 2 bằng hình như sau:

Như vậy RAID 2 gồm hai cụm ổ đĩa, cụm thứ nhất chứa các dữ liệu được phân tách giống như là RAID 0, cụm thứ hai chứa các mã ECC dành cho sửa chữa lỗi ở cụm thứ nhất. Sự hoạt động của các ổ đĩa ở RAID 2 là đồng thời để đảm bảo rằng các dữ liệu được đọc đúng, chính do vậy chúng không hiệu quả bằng một số loại RAID khác nên ít được sử dụng.

RAID 3

RAID 3 là sự cải tiến của RAID 0 nhưng có thêm (ít nhất) một ổ cứng chứa thông tin có thể khôi phục lại dữ liệu đã hư hỏng của các ổ cứng RAID 0. Giả sử dữ liệu A được phân tách thành 3 phần A1, A2, A3 (Xem hình minh hoạ RAID 3), khi đó dữ liệu được chia thành 3 phần chứa trên các ổ cứng 0, 1, 2 (giống như RAID 0). Phần ổ cứng thứ 3 chứa dữ liệu của tất cả để khôi phục dữ liệu có thể sẽ mất ở ổ cứng 0, 1, 2. Giả sử ổ cứng 1 hư hỏng, hệ thống vẫn hoạt động bình thường cho đến khi thay thế ổ cứng này. Sau khi gắn nóng ổ cứng mới, dữ liệu lại được khôi phục trở về ổ đĩa 1 như trước khi nó bị hư hỏng.

Yêu cầu tối thiểu của RAID 3 là có ít nhất 3 ổ cứng.

RAID 4

RAID 4 tương tự như RAID 3 nhưng ở một mức độ các khối dữ liệu lớn hơn chứ không phải đến từng byte. Chúng cũng yêu cầu tối thiểu 3 đĩa cứng (ít nhất hai đĩa dành cho chứa dữ liệu và ít nhất 1 đĩa dùng cho lưu trữ dữ liệu tổng thể)

RAID 5

RAID 5 thực hiện chia đều dữ liệu trên các ổ đĩa giống như RAID 0 nhưng với một cơ chế phức tạp hơn. Theo anh Hoàng Linh thì giải thích như sau (xem ở nguồn tham khảo, tôi trích nguyên văn ra đây): “Đây có lẽ là dạng RAID mạnh mẽ nhất cho người dùng văn phòng và gia đình với 3 hoặc 5 đĩa cứng riêng biệt. Dữ liệu và bản sao lưu được chia lên tất cả các ổ cứng. Nguyên tắc này khá rối rắm. Chúng ta quay trở lại ví dụ về 8 đoạn dữ liệu (1-8) và giờ đây là 3 ổ đĩa cứng. Đoạn dữ liệu số 1 và số 2 sẽ được ghi vào ổ đĩa 1 và 2 riêng rẽ, đoạn sao lưu của chúng được ghi vào ổ cứng 3. Đoạn số 3 và 4 được ghi vào ổ 1 và 3 với đoạn sao lưu tương ứng ghi vào ổ đĩa 2. Đoạn số 5, 6 ghi vào ổ đĩa 2 và 3, còn đoạn sao lưu được ghi vào ổ đĩa 1 và sau đó trình tự này lặp lại, đoạn số 7,8 được ghi vào ổ 1, 2 và đoạn sao lưu ghi vào ổ 3 như ban đầu. Như vậy RAID 5 vừa đảm bảo tốc độ có cải thiện, vừa giữ được tính an toàn cao. Dung lượng đĩa cứng cuối cùng bằng tổng dung lượng đĩa sử dụng trừ đi một ổ. Tức là nếu bạn dùng 3 ổ 80GB thì dung lượng cuối cùng sẽ là 160GB”.

RAID 5 cũng yêu cầu tối thiểu có 3 ổ cứng.

RAID 6

RAID 6 phần nào giống như RAID 5 nhưng lại được sử dụng lặp lại nhiều hơn số lần sự phân tách dữ liệu để ghi vào các đĩa cứng khác nhau. Ví dụ như ở RAID 5 thì mỗi một dữ liệu được tách thành hai vị trí lưu trữ trên hai đĩa cứng khác nhau, nhưng ở RAID 6 thì mỗi dữ liệu lại được lưu trữ ở ít nhất ba vị trí (trở lên), điều này giúp cho sự an toàn của dữ liệu tăng lên so với RAID 5.

RAID 6 yêu cầu tối thiểu 4 ổ cứng.

Trong RAID 6, ta thấy rằng khả năng chịu đựng rủi ro hư hỏng cứng được tăng lên rất nhiều. Nếu với 4 ổ cứng thì chúng cho phép hư hỏng đồng thời đến 2 ổ cứng mà hệ thống vẫn làm việc bình thường, điều này tạo ra một xác xuất an toàn rất lớn. Chính do đó mà RAID 6 thường chỉ được sử dụng trong các máy chủ chứa dữ liệu cực kỳ quan trọng.

CÁC RAID KHÔNG TIÊU CHUẨN

Trên thực tế thì việc ghép các ổ cứng thành hệ thống RAID không hoàn toàn tuân thủ như các cấp độ như trên, mà chúng đã được biến đổi đi theo các cách khác nữa. Hiện nay có các loại RAID 10, RAID 50 và RAID 0+1. Tuy nhiên do giới hạn hiểu biết về RAID của bản thân nên tôi cũng chỉ cung cấp cho bạn một cái nhìn cơ bản về RAID còn những sự nghiên cứu sâu hơn – xin hãy đọc các tài liệu kèm theo ở mục dưới, và tìm thêm trên Internet.

Ngoài lý do về tăng tốc độ truy cập dữ liệu trên hệ thống đĩa cứng, sự ra đời của các chuẩn RAID còn đảm bảo sự an toàn dữ liệu của hệ thống. Qua đây ta thấy rằng người ta đã rất quan trọng việc đảm bảo an toàn dữ liệu cho máy tính và đặc biệt là cho máy chủ.

Giả sử, các máy chủ của một website bị hư hỏng một ổ cứng, chúng sẽ làm mất dữ liệu nếu như không có quá trình sao lưu dự phòng. Nếu dữ liệu này lại quan trọng đến mức thay đổi theo thời gian thực (chỉ một khoảng thời gian ngắn thì dữ liệu đã được sửa chữa, thay đổi) thì việc sao lưu quả là khó khăn nếu không sử dụng các loại RAID. Tại sao lại thế, bởi vì việc sao lưu dữ liệu định kỳ chỉ giúp cho ta lấy lại dữ liệu ở thời điểm lưu lại, còn những giữ liệu từ thời điểm đó cho đến lúc hư hỏng có thể bị mất.

Bạn có thể không chứa các dữ liệu quan trọng của mình bởi có thể chúng chỉ là một vài tập tin văn bản bình thường, nhưng đối với các dữ liệu quan trọng liên quan đến tài chính chẳng hạn thì việc mất dữ liệu là một tai hoạ lớn, làm ảnh hưởng không những đến công ty mà còn đến các khách hàng của công ty đó.

Và thử hình dung, ổ cứng trong máy tính của bạn bị hỏng đột ngột ngay lúc này, bạn sẽ cảm nhận được sự cần thiết phải sao lưu là như thế nào. Có lẽ không đơn thuần là các tập tin văn bản mà dễ dàng có thể soạn lại, mà các bảng tính, các tập hợp và kết quả làm việc của bạn trong thời gian gần đây đã bị mất hết theo chúng. Chắc là bạn sẽ rất bực bội, và cuối cùng là đã hối tiếc rằng đã không sao lưu các dữ liệu đó lại một cách thường xuyên, định kỳ.

 Tổng hợp

You may also like...

2 Responses

  1. says:

    Vậy khác nhau giữa NAS với ổ cứng dời ntn hả ad?

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.