Play the fashionable Aviator game from the famous bookmaker Mostbet and get a dose of adrenaline and unforgettable emotions!

Tranh Nguyễn Gia Trí giả: quá đắt! Tranh Nguyễn Gia Trí thật: quá rẻ!

(Bài đăng lại từ trang web của Hội Mỹ thuật Việt Nam)

 

Ngày 5. 7. 2015, phiên đấu giá “Nghệ thuật hiện đại và đương đại”[1] tại nhà đấu giá Larasati, Singapore, được công chúng rất chú ý vì trong danh mục xuất hiện các bức tranh được giới thiệu là của Nguyễn Gia Trí và Bùi Xuân Phái. Bức sơn mài ba tấm “Trong vườn” (In The Garden) có chữ ký ‘Ng Trí’, có mức giá khởi điểm từ 70.000 đến 90.000 đôla Singapore, kết quả bán được 134.200 đôla Singapore (tương đương 99.372 đô la Mỹ). Đây là hiện vật bán được giá cao thứ hai trong phiên này (kém một bức tranh của danh họa Trung Quốc Chen Wen Hsi bán được 146.400 đô la Singapore); bức “Chèo” (Opera Player) có chữ ký ‘Phái’ khá mờ – mức giá khởi điểm từ 4.000 đến 5.000 đô la Singapore, bán được 4.392 đô la Singapore (tương đương 3.251 đô la Mỹ).

Lập tức nảy sinh nhiều nghi vấn trong giới chuyên môn và những người yêu nghệ thuật sau khi xem xét hình ảnh của các bức tranh công bố trên mạng nhà đấu giá Larasati: bản chất các tranh Gia Trí và Phái được bán ở đây là thật hay giả? Nguồn gốc/xuất xứ của chúng?

Cay đắng thay, với các tranh ‘mệnh danh là’ của Bùi Xuân Phái, giờ đây công chúng không còn mấy bận tâm tới tính thật giả. Nhưng với Gia Trí mà tranh đã thành báu vật của nền mỹ thuật Việt Nam thì mỗi khi xuất hiện đều được quan tâm xen lẫn hồ nghi đặc biệt, đó là điều hiển nhiên.

Bài viết này, trên cơ sở những thông tin do nhà LARASATI cung cấp công khai trên mạng, là một ý kiến chủ quan nêu lên những phân tích về các điểm đáng ngờ quanh bức sơn mài ‘Trong vườn’ được giới thiệu là của Nguyễn Gia Trí nói trên.

1. Về hình thức: bức sơn mài 3 tấm (tạm gọi là bức Larasati) phải chăng là một trong hai trường hợp sau

–  hoặc là một phiên bản không đầy đủ của bức tranh sơn mài khổng lồ Vườn xuân Trung Nam Bắc của Gia Trí hiện treo tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM? Phải chăng Gia Trí đã vẽ bức “Trong vườn” từ một ‘trích đoạn’ của bức Vườn xuân Trung Nam Bắc ? Rất đáng ngờ vì ông từng tỏ thái độ căm ghét việc vẽ lại, chép lại tranh: “Picasso mà vẽ lại Picasso, cũng là tranh giả của Picasso” [2].) Nếu đây là bức chép lại một phần thì kẻ chép tranh rất dốt: không ai lại cắt một phần bố cục trong một bức tranh hoàn chỉnh để làm thành một tác phẩm độc lập, vì trong một bố cục tổng thể, họa sĩ đã tính toán kỹ lưỡng mọi chi tiết/vị trí rồi; thêm vào hay bớt đi một chi tiết cũng phá hỏng hoàn toàn tính tổng hòa của tác phẩm;

– hoặc phát triển từ bức phác thảo trên giấy can của Nguyễn Gia Trí (hiện nay cũng thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng MT TPHCM); Chúng ta đã biết danh họa từng làm nhiều phác thảo trên giấy cho bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc, thế thì vì sao ông chỉ thể hiện trên chất liệu sơn mài ‘cụm’ 5 cô gái này??? Phác thảo sơn mài cho tranh sơn mài ư? Chưa từng nghe/thấy ai phác thảo bằng sơn mài cho tranh sơn mài cả! Còn nếu đây là bức sơn mài phát triển từ phác thảo trên giấy thì quả là một phát triển không đạt, thậm chí vô hồn và kém xa bức phác thảo về tính tạo hình và mức độ sinh động.

2. Nhược điểm nổi bật đáng ngờ của bức Larasati là bố cục:

– Dù có 2 cụm nhân vật bố trí khá “cân xứng” ở hai bên (trái: 2 cô gảy đàn; phải: 3 cô nhảy múa) song gương mặt cả 5 cô đều cùng hướng về một phía, khiến cho bức tranh bị lệch lạc hẳn và kém hài hòa (trong các bức tranh đông người của Gia Trí, các nhân vật luôn được bố cục có nhịp điệu, hài hòa, và/hoặc xoay vòng, đồng thời gương mặt của các nhân vật không bao giờ ‘nhất tề’ ngoảnh về một phương theo kiểu ‘chào cờ’ hay duyệt binh như ở bức Larasati này)

– Ngoài ra: bức Larasati với bố cục bị cắt đôi xét theo chiều thẳng đứng (đường nối các đỉnh đầu của mấy cô gái nhảy múa), đã phạm vào một kiêng kỵ trong tạo hình hội họa kinh điển (còn hội họa đương đại, phá cách lại khác). Mặt khác, cụm ‘ba cô gái’ ở đây tạo nên một hình thang khô cứng không như ba cô múa trong bức Vườn xuân Trung Nam Bắc tạo thành một hình tam giác với chóp đỉnh là tà khăn hất lên tuyệt đẹp


3. Những phẩm chất tạo hình phóng khoáng, sinh động của Gia Trí đều không thấy trong bức Larasati

– Các nhân vật người ở tranh Larasati được thể hiện thô cứng, gượng gạo, đường nét viền đanh, các tư thế chân và tay của các cô gái nhảy múa và những nếp uốn lượn của các tà áo dài đều hoàn toàn cứng nhắc, đờ đẫn, ngờ nghệch (chưa kể nhiều chi tiết như bàn tay phải của cô gái ngoài cùng bên phải; cánh tay đưa lên của cô gái ở giữa; cẳng chân phải của cô ngoài cùng bên phải… đều thể hiện rất kém), thiếu hẳn nhịp điệu sinh động của một nhóm người đang vận động theo tiết tấu xoay tròn, hoàn toàn không giống lối vẽ silhouette (bóng trên nền sáng) ẩn hiện độc đáo của Gia Trí

– Về cảm xúc thẩm mỹ mang đến cho người xem, bức Larasati chỉ như một tranh sơn mài mỹ nghệ của một thợ vẽ thiếu cảm xúc, non tay nghề, không thể hiện nổi bút pháp ‘vẽ như chơi’, ‘vừa vẽ vừa xóa’, ‘vẽ như phác’ vốn là đặc điểm độc đáo không thể trộn lẫn của tranh sơn mài Gia Trí; hay nói cách khác: không có tâm thế tự tại, tự do như Gia Trí thì không thể vẽ ‘giống như’ Gia Trí

– Những nhược điểm ở phần tạo hình nói trên phần lớn là do kỹ thuật gắn vỏ trứng và kỹ thuật mài vỏ trứng yếu, không giống lối gắn trứng điêu luyện bậc nhất của Gia Trí, hay nói cách khác: một trong những đặc điểm gây nghi ngại nhất trong bức tranh này là kỹ thuật gắn và mài vỏ trứng.

Để bạn đọc rộng đường tham khảo, xin trích dẫn một số lời của Nguyễn Gia Trí [2] khi bàn về nghệ thuật làm chủ vỏ trứng trong tranh sơn mài:
– ở sơn mài, so với cánh dán, sơn then, các màu, son và vàng, bạc thì vỏ trứng là một chất cứng ngoại lai xa lạ. làm cho vỏ trứng mềm mại, linh động hòa vào màu, chất của sơn mài là rất khó khăn, có thể nói là khó nhất trong kỹ thuật làm sơn mài;
– nét không bó gọn lấy trứng, mà hòa vào trứng, vào nền, một cách tự do;
– vẽ phong cảnh hay vẽ người cũng vậy, vỏ trứng, sơn, tất cả đều biến đi, thay đổi;
– sự biến chuyển đậm nhạt của trứng phải hài hòa;
– luyện cho vỏ trứng, từ một vật cứng, trở thành mềm mại;
– mài đứt, phá hết các tướng cũ của trứng, sau đó nối lại;
– dùng vỏ trứng phải có sáng tạo, nếu chỉ để thay màu trắng bằng trứng thì không có gì đặc biệt cả;

Hơn nữa, bàn về tổng thể một bức tranh, ông còn nói: “một kiệt tác, dầu cắt ra một mảng nhỏ, đoạn nhỏ, bất kỳ đâu, cũng có sự sống của toàn thể, cũng có máu thịt” [2];

Tranh Phái dễ làm giả hơn (bởi bút pháp khá đơn giản) nhưng với Gia Trí thì vô cùng khó, đúng như trong cuốn Hội họa Sơn mài Việt Nam[3] đã viết: “không phải bất cứ ai cũng tiếp cận được với phong cách kỹ thuật sơn mài kiểu Nguyễn Gia Trí (bởi vì việc sử dụng màu trắng của vỏ trứng trong kỹ thuật hội họa sơn mài Việt Nam kỳ thực cũng khó không kém gì nếu so với việc hầu như không sử dụng màu trắng trong kỹ thuật hội họa sơn dầu châu Âu)”.

Với giá bán được ở nhà Larasati như thế, bức sơn mài “Gia Trí” này thật quá rẻ nếu chẳng may là đồ xịn (theo một số chuyên gia thị trường, nếu bức tranh này thực sự của Gia Trí thì giá của nó phải gấp khoảng 5 lần, vì ít nhất người ta cũng mua được chữ ký thật của Gia Trí), và quá đắt nếu đích xác là hàng rởm (!) Tuy nhiên, có điều không hề đáng ngờ ở thương vụ đáng ngờ này, đó là luôn có nhiều nhà sưu tập sẵn sàng bỏ tiền ra mua lấy cái tên của nhà danh họa. Kỳ lạ thay, việc này Nguyễn Gia Trí cũng đã lường trước: “người mua tranh, phần nhiều chỉ là mua một chữ ký đã nổi tiếng” [2].

Xin cảm ơn các họa sĩ Nguyễn Đức Hòa, Phan Thiết, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Hữu Khiêm, Trịnh Tuân, nhà nghiên cứu Quang Việt, nhà sưu tầm và đại lý nghệ thuật Jorn Middelborg đã chia sẻ với người viết bài này những trao đổi thẳng thắn. Rất mong nhận được thêm ý kiến của các chuyên gia và bạn đọc, ngõ hầu sáng tỏ tung tích và phẩm chất của bức “Trong vườn” này (và/hoặc nhiều bức khả nghi khác), cũng không ngoài mong muốn cùng nhau bài trừ tệ nạn tranh giả đã và đang gần như xóa sổ niềm tin của những người yêu tranh và sưu tầm nghệ thuật trong và ngoài nước từng sùng kính Gia Trí và yêu quý hội họa Việt.

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.