7 lời khuyên khi chụp ảnh macro
Chụp macro được hiểu nôm na là chụp cận cảnh với chủ thể trong ảnh được phóng to bằng hoặc lớn hơn chủ thể thật bên ngoài. Và một khi bạn đã yêu nhiếp ảnh, yêu sự sáng tạo thì chắc chắn bạn khó có thể bỏ qua thế giới diệu kỳ và đầy hấp dẫn thông qua lens macro.
7 lời khuyên khi chụp ảnh macro
Ảnh macro là “sân chơi” dành cho cả nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư. Nhưng để các tay máy nghiệp dư sánh ngang tầm nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp khi chụp macro thì bạn cần bắt đầu từ cái nhỏ nhất – ống kính macro. Ống macro là loại ống kính chuyên dụng trong việc chụp cận cảnh với độ phóng đại 1:1 (nói cách khác là độ phóng đại 1.0x) và tiêu cự lí tưởng ở tầm 85 – 105mm. Nhưng nếu ống kính của bạn không nằm trong tiêu cự lí tưởng, ví dụ là 40mm hay 60mm thì bạn đừng lo lắng, bởi tiêu cự chỉ ảnh hưởng đến việc bạn có dễ quan sát, dễ lấy nét chủ thể hay không.
Vấn đề thứ hai được mở ra, chất lượng ảnh macro không chỉ phụ thuộc vào máy “xịn” hay không mà còn cả kỹ thuật chụp ảnh cận cảnh với lens macro. Các bạn cần tìm hiểu về máy thông qua các trang bán đồ điện tử và chia sẻ kinh nghiệm chụp ảnh macro để chất lượng ảnh ngày một nâng cao.
Chụp macro tuy có thể được thực hiện với những thiết bị kỹ thuật đơn giản nhưng nó lại yêu cầu kỹ thuật cá nhân phức tạp và tính sáng tạo không ngừng. Sau đây là 7 lời khuyên dành cho bạn khi chụp macro
1. Chọn đối tượng để chụp ảnh macro
Trong nghệ thuật chụp macro, chúng ta có rất nhiều chủ đề để lựa chọn, ví dụ như: thiên nhiên, nữ trang, chất liệu, bộ phận cơ khí, bộ phận điện tử, hay các bộ phận của con người… Trong đó, việc chụp đối tượng trong tự nhiên đặc biệt là côn trùng là việc hết sức khó khăn bởi tính khó nắm bắt. Chỉ cần một hơi thở nhẹ bạn cũng có thể vuột mất một khuôn hình đẹp mà mãi sau này bạn cũng không thể gặp lại lần nữa vì bạn đã đánh mất “linh hồn” của bức ảnh.
Nếu bạn muốn chụp ảnh bươm bướm thì hãy chọn thời điểm sáng sớm và chiều tà ở các vườn hoa. Nếu bạn muốn tìm chuồn chuồn thì hãy đến các ao, đầm, hồ…Nhưng dù đi đến địa điểm nào thì điều kiện tiên quyết là phải kiên nhẫn và không nên đến quá gần chủ thể, tránh bóng phủ lên chủ thể hoặc làm chủ thể kinh động mà bay mất.
Chủ thể trong tự nhiên là nguồn cảm hứng vô tận cho nghệ thuật chụp macro Nguồn: chupchoet.net
Cuối cùng, dù là bạn muốn chụp macro thiên nhiên, các bộ phận của con người hay chụp nữ trang thì bạn hãy để đối tượng được chụp ảnh macro chiếm tối thiểu 75% khuôn hình. Bởi vì chụp cận cảnh với macro có mục đích chính là thu hút người xem về một đối tượng, giới thiệu đối tượng, làm cho sự vật có thể bình thường ở ngoài tự nhiên nhưng không tầm thường trong nghệ thuật ảnh macro.
2. Chọn thiết bị lens macro phù hợp
Đối với việc chọn thiết bị kỹ thuật, việc chọn tỷ lệ phóng đại của ống kính macro là yếu tố cực kỳ quan trọng. Ống macro có tỷ lệ phóng đại đạt chuẩn là 1:1, nếu tỷ lệ này nhỏ hơn 1:1 đồng nghĩa với việc ống kính đấy không phải là ống kính macro. Ngoài ra, bạn cần chọn lens có tiêu cự phù hợp với từng loại chủ thể. Ví dụ, lens có tiêu cự tầm 50 – 65mm thì bạn có thể chụp chất liệu vải, len, nữ trang hay các bộ phận nhỏ cơ khí, điện tử. Nhưng nếu lens có tiêu cự 85 – 180mm thì đây là lens tuyệt vời để bạn chụp hoa và côn trùng.
Có một thực tế trong việc chọn lens là ống kính có tiêu cự ngắn sẽ có kích thước nhỏ, trọng lượng nhẹ và giá cả sẽ rẻ hơn.
3. Sử dụng chân máy
Trong kỹ thuật chụp cận cảnh với macro, bạn nên đầu tư cho mình một chân máy (tripod) để tránh tình trạng bị out nét do run tay. Đối với nghệ thuật chụp macro, chỉ cần một hơi thở nhẹ hoặc một chút run máy cũng có thể ví như một cơn địa chấn mạnh đối với chủ thể được chụp.
Hiện nay, trên thị trường mua bán TPHCM có bán rất nhiều loại giá đỡ nhưng để chụp ảnh macro tốt nhất, bạn nên chọn loại giá đỡ có tấm che để chất lượng ảnh được tốt hơn.
4. Điều chỉnh nét bằng tay
Một bức ảnh đẹp luôn phải có tiêu chí là ảnh rõ ràng và sắc nét. Tiêu chí dành cho ảnh macro và cũng để phân biệt với loại ảnh khác là ngoài có hai yếu tố trên còn có tiêu chí khác đó là độ sâu trường ảnh (DOF). Để tăng DOF bạn cần để khẩu độ càng nhỏ càng tốt và tự lấy nét bằng tay – kỹ thuật dùng để tăng độ sắc nét nơi vùng đối tượng.
Một bí kíp để bạn lấy nét dễ dàng không phải là bật chế độ tự động của máy mà chính là tư thế chụp. Bạn hãy thử đưa máy ra sau, hướng người đổ về phía trước, có phải dễ lấy nét hơn không nào?
5. Kiểm soát tốc độ bấm máy
Bạn hãy cố gắng học cách kiểm soát tốc độ bấm máy của bản thân vì chủ thể chụp không phải lúc nào cũng ở dạng tĩnh. Đặc biệt là khi bạn chụp đối tượng côn trùng – chủ thể khó nắm bắt. Nếu chủ thể đang ở trạng thái động, bạn nên bấm máy thật nhanh để bắt được tư thế, góc ảnh đẹp lí tưởng.
6. Ánh sáng là yếu tố không thể bỏ qua trong chụp cận cảnh với macro
Bóng tối đôi khi được xem là góc khuất tuyệt vời trong nghệ thuật nhiếp ảnh. Nhưng đôi khi, chính nó lại là “kẻ thù” giết chết một khuôn hình. Trong nghệ thuật chụp macro, ánh sáng là điều hết sức cần thiết. Đôi khi, giữa ánh sáng gay gắt của nắng ban trưa nhưng bạn vẫn phải bật flash hoặc các thiết bị hỗ trợ ánh sáng khác để cung cấp đủ ánh sáng cho vật thể được chụp. Tuy nhiên, bạn đừng bao giờ để ánh sáng của mình làm chủ thể kinh động mà bay mất.
Lời khuyên dành cho bạn là hãy sử dụng một miếng tản sáng. Thiết bị này sẽ giúp ánh sáng của đèn flash trở nên “mềm” hơn, tự nhiên hơn.
7. Sáng tạo không ngừng
Điều cuối cùng, việc bạn chọn nhiều góc ảnh, chụp nhiều đối tượng và luôn tìm tòi vẻ đẹp từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống sẽ giúp bạn nâng cao kỹ thuật chụp cận cảnh với macro. Chụp macro hay chụp chân dung cũng đều là nghệ thuật và một khi bạn đã đam mê nghệ thuật, đam mê việc sáng tạo thì sự “thành công” là không có điểm dừng.