Play the fashionable Aviator game from the famous bookmaker Mostbet and get a dose of adrenaline and unforgettable emotions!

Máy ảnh của bạn – đâu phải là vấn đề lớn ?!

Ansel Adams

Tại sao trải qua hơn 60 năm phát triển cùng với những tiến bộ vượt bậc của các loại thiết bị ngành ảnh mà vẫn không ai có được những tác phẩm xuất sắc như Ansel Adams đã từng làm vào những năm 1940?

Ansel thậm chí còn chẳng có Photoshop! Vậy ông ấy đã chụp những bức ảnh ấy như thế nào? Hầu hết mọi nỗ lực để đạt được điều tương tự đều thất bại, cũng có những nhiếp ảnh gia có những tác phẩm rất đẹp như Jack Dykinga, nhưng là với một phong cách khác , còn để giống như Ansel thì chưa ai làm được.

Có những nhà nhiếp ảnh đã dùng internet để xác định chính xác tọa độ địa điểm mà Ansel đã chụp các bức ảnh của ông . Sau đó cùng với những trang bị tối tân và tác phẩm của Ansel trong tay, họ tìm đến nơi với mong muốn chụp được một bản sao hoàn hảo nhất (điều này là vi phạm luật bản quyền của Mĩ) . Tuy nhiên điều họ làm được là những bức hình trông thì giống nhưng hoàn toàn thiếu sự ấn tượng và cảm xúc của phiên bản gốc

Tôi không đùa đâu. Bạn có thể đọc thêm về những người này ở đây . Họ đã nhờ các nhà thiên văn học của trường đại học để dự đoán thời điểm duy nhất trong 2 thập kỉ mà những điều kiện thiên nhiên có thể lặp lại, và 300 người đó đã tìm đến đúng địa điểm dự đoán. Dù vậy họ vẫn không có được những đám mây, tuyết hay bóng râm như mong muốn. Dĩ nhiên là họ không thể đạt được những bức ảnh như Ansel: nhiếp ảnh nghệ thuật xuất phát từ cảm hứng, không phải là từ sự sao chép.

Tại sao mà khi ai cũng biết rằng có thể sử dụng Photoshop để biến những bức ảnh tồi thành một tác phẩm nhưng khi bắt tay vào làm thì sau nhiều giờ kết quả lại tồi tệ còn hơn ban đầu?

Có lẽ những gì tạo nên các tác phẩm của người nghệ sĩ nhiếp ảnh là con mắt nhạy cảm, sự kiên nhẫn và những kĩ năng chứ không phải là những dụng cụ mà anh ta sử dụng.
Tác phẩm Anseladams Rocks
Chiếc máy ảnh nắm bắt lại những gì bạn tưởng tượng ra . Không có sự tưởng tượng, không có ảnh, mà chỉ là những thứ rẻ tiền. Từ “image” (hình ảnh) xuất phát từ “imagination” (sự tưởng tượng) chứ không phải từ “độ nét ống kính” hay “độ nhiễu” (noise level). Những tác phẩm của David LaChapelle đều xuất phát từ sự tưởng tượng của ông ấy, không phải từ chiếc máy ảnh. Sắp đặt được những bối cảnh như vậy mới là phần khó khăn. Một khi mọi thứ đã được sắp đặt thì máy ảnh nào cũng chụp được như vậy. Nếu như đưa tôi chiếc máy ảnh của David LaChapelle thì tôi sẽ chẳng bao giờ chụp được như ông ấy, ngay cả khi cho tôi đúng người diễn viên ngôi sao đó.
Lý do duy nhất mà tôi để tấm hình mình với cái ống kính khổng lồ ở trang chủ là để không phải thêm cái tiêu đề “nhiếp ảnh” hay “nhiếp ảnh gia” bên cạnh. Cái ống kính đó sẽ nói rõ điều đó hơn bất kì từ ngữ nào. Đó chính là mục tiêu của giao tiếp bằng hình ảnh: Suy nghĩ lâu và kĩ để nói ra điều mình muốn nói một cách rõ ràng và nhanh chóng nhất. Còn về cái ống kính khổng lồ đó thì tôi đã không sử dụng nó nhiều năm nay rồi.
Nói về máy ảnh, bất cứ chiếc máy ảnh nào, không kể tốt xấu đều có thể cho ra những bức ảnh nổi bật để đăng lên bìa tạp chí, đạt giải ở các cuộc thi hay được trưng bày ở các triển lãm. Chất lượng của ống kính hay máy ảnh hầu như chẳng liên quan gì đến chất lượng của những bức hình mà nó tạo ra
Những bức hình cỡ 13×19” của Joe Holmes trong series American Museum of Natural History được bán ở nhà trưng bày Jen Bekman Gallery tại Manhatan với giá 650$ một bức. Chúng đều được chụp bằng máy D70
Có rất nhiều triển lãm bán những bức hình được chụp bằng máy Holga và thu được rất nhiều tiền, chỉ có điều họ chẳng bao giờ nói ra điều đó. Một chiếc Holga mới tinh được bán với giá 14.95$ ở đây . Bạn cũng có thể thấy những bức hình đoạt giải được chụp bằng máy Holga trưng bày trong gallery Hemicycle của Bảo tàng nghệ thuật Corcoran trong cuộc thi Eyes of History vào năm 2006 của tổ chức White House News Photographers ở đây.
Walker Evans đã có lần nói “Mọi người cứ hay hỏi là tôi dùng máy ảnh gì. Máy ảnh không phải là thứ quan trọng, quan trọng là – – – “ và anh ta lấy ngón trỏ gõ gõ vào đầu mình.
Tương truyền rằng, cha của chúa Jesus, thánh Joseph, đã xây dựng những bậc thang gỗ kì diệu của mình trong một nhà thờ ở New Mexico vào năm 1873 và liệu có ai quan tâm đến những dụng cụ mà ông đã dùng? Hãy thử tìm kiếm và bạn sẽ thấy rất nhiều cuộc thảo luận hàn lâm về điều này nhưng không bao giờ đề cập đến chuyện dụng cụ .
Thiết bị của bạn KHÔNG ảnh hưởng đến chất lượng những bức ảnh của bạn. Càng bỏ ít thời gian quan tâm đến thiết bị của mình, bạn càng có nhiều thời gian để đầu tư cho việc tạo ra những bức ảnh đẹp. Thiết bị tốt chỉ giúp bạn đạt được điều mong muốn nhanh hơn, thuận tiện hơn hoặc dễ dàng hơn.

“Tất cả những ống kính tốt ngày nay đều được tinh chỉnh để đạt được độ trung thực cao nhất ở khẩu độ lớn nhất. Giảm khẩu độ chỉ là để tăng chiều sâu ảnh…” Ansel Adams, ngày 3-6-1937 đã trả lời như vậy với Edward Weston khi được nhờ tư vấn về việc chọn ống kính (trang 244 tự truyện của Ansel). Ansel đã chụp được những bức ảnh sắc nét đến kinh ngạc cách đây đến 70 năm mà không hề mất thời gian quan tâm đến ống kính của mình sắc nét đến mức nào. Với 70 năm tiến bộ của ngành ảnh, chúng ta lại càng phải tập trung hơn nữa cho việc chụp ảnh thay vì để ý đến những biểu đồ đánh giá chất lượng . Dĩ nhiên là ống kính cho cỡ phim lớn vào những năm 1930 và cả bây giờ đều khá chậm, thường là f/5.6. Còn ống kính cho cỡ phim nhỏ và máy kĩ thuật số thì sẽ hoạt động tốt nhất khi giảm bớt khoảng 2 khẩu.

Mua thiết bị mới sẽ KHÔNG cải thiện chất lượng ảnh của bạn. Trong nhiều năm tôi đã từng nghĩ “giá mà mình có cái ống kính đó” thì tất cả những bức ảnh tôi muốn chụp đều sẽ được thực hiện. Không đâu, tôi vẫn muốn “thêm một ống kính mới nữa” và đã 30 năm như thế. Luôn luôn có ý nghĩ về việc có thêm một cái ống kính nữa. Hãy vượt qua suy nghĩ đó. Bạn hãy đọc bài viết “The Station” này để hiểu thêm.

Nhiệm vụ duy nhất của chiếc máy ảnh đứng tránh ra khỏi con đường tạo nên một bức ảnh.

Ernst Haas đã kể lại câu chuyện trong một trại sáng tác vào năm 1985 thế này :

Có 2 cô gái đến từ Nova Scotia đã rất cố gắng để có mặt trong trại sáng tác này. Họ đều làm fan của Leica, làm việc trong một cửa hiệu bán máy ảnh, để dành tiền để mua Leica và rất nể trọng Ernst vì ông cũng dùng máy Leica (cho dù ông đã dùng máy Nikon để chụp những bức ảnh quảng cáo Marlboro lừng danh của mình)

Sau 4 ngày ở trại sáng tác này, ông đã chịu hết nổi sự thần tượng Leica quá mức mà những người trẻ tuổi này bộc lộ và trong một cuộc thảo luận, khi một trong số họ hỏi thêm một câu về việc xây dựng sự đẳng cấp của loại máy ảnh này thì Ernst đã nói “Leica, schmeica. Chiếc máy ảnh không làm nên một chút khác biệt nào cả. Tất cả chúng đều nắm bắt lại những gì bạn đang nhìn thấy. Nhưng bạn phải THẤY.

Thế là từ đó đến kết thúc trại sáng tác, không còn ai nói về Leica, Nikon, Canon hay bất cứ nhãn hiệu máy ảnh nào nữa.

Ông còn nói , “Ống kính góc rộng tốt nhất à? Đó là bước lui 2 bước”

(Câu chuyện thú vị này của Haas được kể bởi Murad Saÿen, nhà nhiếp ảnh nổi tiếng từ Oxford,Maine mà mọi người đều ngưỡng mộ. Nhiều người nói rằng ông bất ngờ xuất hiện từ hư không như là một sự kết hợp của Eliot Porter và Henri Cartier Bresson. Tôi đã tìm thấy ít nhất 3 trang web tự nhận là trang chính thức của Haas ở đây, ở đây và ở đây

Bạn cũng có thể xem một trong những loạt ảnh đẹp nhất thế giới ở đây , và tác giả của chúng cũng nói những điều tương tự như vậy ở đây . Còn đây là một loạt những dữ liệu nghiên cứu khác cũng chứng minh việc tại sao sở hữu nhiều ống kính sẽ chỉ làm cho những bức ảnh tệ hơn. Tôi cũng đã từng chụp những bức ảnh trắng đen ở đây với một chiếc máy ảnh hộp 50 tuổi giá 3$ có cấu trúc còn đơn giản hơn những máy ảnh chụp 1 lần hiện nay. Còn trang web này có những tác phẩm tuyệt đẹp được chụp bằng máy PnS Olympus 8080

Andreas Feininger (người Pháp, 1905-1999) đã nói rằng “Những người nhiếp ảnh – mà trong đó có rất nhiều kẻ ngu ngốc – thường nói rằng “Ôi, giá mà tôi có một cái Nikon hay Leica, tôi có thể chụp được những bức ảnh tuyệt đẹp” Đó là điều ngu xuẩn nhất mà tôi từng được nghe trong đời mình. Nó không gì khác ngoài việc bạn phải thấy,phải suy nghĩ và phải đam mê. Đó là điều làm nên những bức ảnh đẹp. Và sau đó hãy loại bỏ tất cả những gì có thể làm xấu bức ảnh. Ánh sáng xấu, phông nền xấu và tiếp tục như vậy. Hãy nhớ điều đó, đừng cố chụp những bức ảnh như vậy bất kể chủ thể có đẹp đến mức nào”

Ai cũng biết là những chiếc xe không thể tự lái, những chiếc máy đánh chữ không thể tự viết ra các tác phẩm văn học và những cây cọ của Rembrandt cũng không thể tự vẽ. Vậy thì tại sao rất nhiều người thông minh lại cho rằng những chiếc máy ảnh sẽ tự đi lòng vòng và tự chụp ra những bức ảnh đẹp cho họ? Một chiếc xe hiện đại, tối tân, mắc tiền nhất cũng không thể tự lái theo làn đường của nó chứ chưa nói đến việc sẽ chở bạn về nhà. Bất kể máy ảnh của bạn có tân tiến như thế nào thì bạn cũng phải có trách nhiệm đưa nó đến đúng nơi, đúng lúc và chĩa nó đúng hướng để chụp được bức ảnh bạn muốn. Tất cả mọi chiếc máy ảnh đều có lúc phải yêu cầu bạn phải chỉnh tay, bất kể nó có hiện đại đến đâu. Đừng bao giờ đổ lỗi cho chiếc máy ảnh không thể biết hết mọi thứ , đo sáng bị sai hoặc cho ra những tấm ảnh mờ tịt.

Tiếp theo dưới đây tôi sẽ kể về hành trình khám phá ra chân lý của mình:

Khi nói đến nghệ thuật , có thể là âm nhạc, nhiếp ảnh, lướt ván hay bất cứ thứ gì khác thì đều có một ngọn núi để vượt qua. Điều gì xảy ra trong 20 năm đầu khi bạn học một môn nghệ thuật nào đó mà chỉ biết rằng là nếu bạn có nhạc cụ, máy ảnh, hay ván trượt tốt hơn thì bạn sẽ giỏi như những nghệ sĩ nổi tiếng. Bạn bỏ phí quá nhiều thời gian để lo lắng về những thiết bị của mình và luôn muốn mua những thứ tốt hơn. Sau 20 năm đầu đó, bạn cuối cùng cũng trở thành một người tài giỏi và bỗng một hôm có một người hỏi bạn về bước ngoặc trong sự nghiệp khiến bạn thành công thì bạn nhận ra đó chính là lúc bạn hiểu được rằng thiết bị không là gì cả.

Bạn cuối cùng cũng hiểu rằng những thứ dụng cụ mà bạn mất rất nhiều thời gian thu thập chỉ làm cho bạn dễ dàng hơn để đạt được mục tiêu. Nhưng bạn cũng thấy rằng mình đã có thể đạt được mục tiêu đó bằng những dụng cụ rẻ tiền như ban đầu cho dù phải mất thêm một chút nỗ lực. Bạn nhận ra rằng điều quan trọng nhất mà bộ đồ nghề của bạn phải làm là đừng cản con đường đi của bạn. Và rồi bạn cũng nhận ra rằng giá như bạn không bỏ phí nhiều thời gian để suy nghĩ về thiết bị mà để thời gian đó luyện tai, chụp hình hay cưỡi sóng nhiều hơn thì bạn đã có thể thành công sớm hơn rất nhiều.

Tôi đã gặp Phil Collins trong một buổi biểu diễn vào tháng 12 năm 2003. Có một điều rõ ràng là mọi người luôn nhận ra được những âm thanh của ông. Một vài người đã thử chơi bộ trống của Phil khi ông ra nghỉ giải lao và bạn biết không? Nó nghe hoàn toàn khác Phil. Mặt khác, khi chơi trên một bộ trống cho thuê thì Phil vẫn là Phil. Vậy bạn có còn nghĩ rằng bộ trống đã đem lại những âm thanh tuyệt vời đó cho ông ấy hay không?

Có một người ở Michigan dạy đua xe kể rằng. Con gái của một trong các học viên đến và tỏ ý muốn học. Cô bé xuất hiện trên đường đua cùng với một chiếc Chevy Cavalier. Thế rồi cô ta qua mặt những người trung niên trên những chiếc Corvettes và 911. Tại sao ư?Rất đơn giản: Cô ta đã chú ý đến những lời hướng dẫn và cố gắng chạy thật ổn định và đúng làn, không tìm cách lao hết tốc lực mà kiên nhẫn và tận dụng kĩ năng. Những học viên ở đó đã rất xấu hổ, khi bị đánh bại bởi một CÔ GÁI, mà chỉ mới 16 tuổi.

Như vậy đó, nếu bạn là một tay lái chuyên nghiệp, bạn sẽ biết cách để khai thác đến giọt cuối cùng khả năng của một chiếc xe và sẽ bị giới hạn bởi khả năng của nó. Còn nếu bạn giống như hầu hết mọi người khác thì chiếc xe hơi, cái máy ảnh hay đôi giày chạy sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến kết quả bạn đạt được bởi vì bạn chính là nhân tố quyết định chứ không phải những thứ công cụ ấy.

Hãy tìm gặp những nghệ sĩ lớn khi họ đang nằm ngoài tầm kiểm soát của các nhà tài trợ và họ sẽ chia sẻ những điều tương tự với bạn.

Vậy tại sao những nghệ sĩ lớn với những tác phẩm được ngưỡng mộ lại luôn dùng những thứ đồ nghề hiện đại và đắt tiền nhất nếu như nó chẳng ảnh hưởng gì? Đơn giản thôi:

1. Những dụng cụ tốt sẽ giúp cho bạn dễ dàng hơn để đạt được kết quả mong muốn. Dụng cụ xấu hơn sẽ có thể làm bạn tốn nhiều công sức hơn.

2. Chúng có độ bền cao phù hợp cho những người cần sử dụng chúng gần như mọi lúc.

3. Người dùng cao cấp sẽ cần đến một số tính năng phụ trợ tiện dụng . Những sự tiện dụng đó sẽ giúp cho việc chụp ảnh dễ hơn, nhưng chúng không làm cho những bức ảnh đẹp hơn

4. Này bạn, những dụng cụ tốt chẳng có gì sai trái cả, và nếu bạn có đủ tiền để chi cho nó thì tại sao không? Chỉ cần đừng bao giờ nghĩ rằng những thứ dụng cụ xa xỉ đó sẽ lao động thay cho bạn.

Vậy tại sao tôi lại đưa tấm hình mình với cái ống kính khổng lồ ấy ra trang nhất? Đơn giản thôi: Nó giúp tôi không phải ghi là “Ken Rockwell Photography”, nghe không hay mà lại chiếm nhiều chỗ. Cái máy ảnh to đã truyền tải thông điệp ấy tốt hơn và nhanh hơn vì vậy tôi chỉ cần nói là “Ken Rockwell”

Đây là những bức ảnh được chụp bởi một anh chàng ở Philipines – bằng điện thoại di động của anh ta

Một ví dụ cuối cùng : Trước đây tôi có mua một chiếc máy ảnh cũ , nó không lấy nét tốt cho lắm. Tôi đã quay lại chỗ bán hàng vài lần để sửa, mỗi lần sửa xong thì nó vẫn như cũ. Là một nghệ sĩ nhiếp ảnh, tôi biết cách khắc phục lỗi này, nhưng điều đó khá bất tiện khi mà tôi luôn phải chỉnh lại nét bằng tay. Và trong lúc thử nghiệm chiếc máy ảnh này thì tôi đã có được bức ảnh yêu thích nhất của mình. Bức ảnh này đã đem về cho tôi đủ loại giải thưởng và còn được treo ở một gallery tạị Los Angeles . Ở đây , nó đã được treo lên ngay khi tấm ảnh gốc của Ansel Adams được gỡ xuống và khi tấm ảnh của tôi gỡ xuống thì lại đến ảnh của Ansel được treo ngay lên lại. Hãy nhớ rằng, tấm ảnh đó được chụp bằng chiếc máy ảnh mà nơi bán đã nói rằng nó không thể sửa được.

Phần quan trọng nhất của bức ảnh là việc tôi đã ở lại một mình khi mà những bạn bè của tôi cùng đi về ăn tối vì tôi đã nghi ngờ rằng sẽ có một cảnh đẹp sắp diễn ra (bầu trời màu magenta như trong hình) Tôi đã chụp một bức ảnh với 4 phút phơi sáng với một ống kính thường. Tôi cũng đã có thể làm được điều đó với chiếc máy ảnh 3$ mà tôi dùng để chụp những bức ảnh đen trắng ở đây và kết quả cũng sẽ không khác gì.

Bạn biết không, đôi khi tôi cũng nhận được những bức thư và cuộc gọi điện thoại đầy sự bất mãn từ những người đàn ông (chưa bao giờ gặp phụ nữ) không đồng ý với sự lựa chọn thiết bị của tôi. Họ khó chịu bởi vì tôi thích những thứ khác với họ. Họ chính là những người chưa vượt qua đỉnh núi mà tôi nói ở trên và vẫn nghĩ rằng mỗi thứ dụng cụ đều có những thang đo tuyệt đối về chất lượng, bất kể nó được dùng trong trường hợp nào. Họ coi những thứ dụng cụ ấy như là một cánh tay bổ sung cho thân thể họ và vì vậy không thật khó hiểu trước những phản ứng của họ khi xem những lựa chọn thiết bị của tôi. Lấy ví dụ, những người sưu tập Leica ở đây thật sự có vấn đề với trang web này. Mọi thứ đồ nghề đều có những giá trị riêng phụ thuộc vào việc bạn sẽ dùng nó trong trường hợp nào. Những thứ phù hợp với bạn có thể không phù hợp với tôi và ngược lại.

Với bất kì chiếc máy ảnh nào, bất kể tốt xấu đều có thể được dùng để tạo ra những bức ảnh nổi bật để đăng bìa tạp chí, đoạt giải thưởng và trưng bày trong các triển lãm lớn. Chất lượng ống kính hầu như không liên quan gì tới chất lượng những bức ảnh mà nó tạo ra.

Bạn có thể đã có tất cả đồ nghề bạn cần, nếu vậy thì bạn chỉ còn phải học cách sử dụng nó một cách tốt nhất. Đồ nghề tốt hơn không tạo ra những bức ảnh đẹp hơn, bởi vì đồ nghề không thể làm cho bạn thành một nhà nhiếp ảnh tài giỏi.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh tạo ra những bức ảnh chứ không phải là do chiếc máy ảnh.

Đáng buồn là có khá ít người nhận ra được những điều này và suốt ngày chỉ đổ lỗi cho thiết bị tồi thay vì sử dụng thời gian để học cách quan sát và học cách vận dụng và kết hợp ánh sáng

Mua một chiếc máy mới sẽ chắc chắn đem lại cho bạn nhưng bức ảnh y như cũ . Sự học tập mới chính là cách để có những bức ảnh đẹp hơn .

Đừng đổ lỗi cho đồ nghề của bạn vì nó bỏ sót một thứ gì đó trên tấm ảnh. Nếu bạn còn nghi ngờ thì hãy đến một bảo tàng ảnh hay đọc một cuốn sách lịch sử nhiếp ảnh và xem những tấm ảnh mà người ta chụp cách đây 50 đến 100 năm hoàn hảo về mặt kĩ thuật như thế nào. Ưu thế mà dụng cụ hiện đại đem lại là sự tiện lợi, không phải là chất lượng ảnh. Hãy xem những bức ảnh đen trắng của tôi trong Death Valley Gallery . Nó trông sắc nét chứ? Chúng được chụp bằng chiếc máy ảnh tiêu cự cố định 50 năm tuổi mà tôi đã mua với giá 3$

Tôi đã chụp được những tấm ảnh tuyệt vời cả về kỹ thuật lẫn nghệ thuật bằng chiếc máy ảnh giá 10$ mua ở Goodwill và cũng đã chụp ra hàng đống rác rưởi với chiếc ống kính 10.000$ trên chiếc máy Nikon của mình.

Nhiếp ảnh gia Edward Steichen đã chụp ảnh diễn viên múa Isadora Duncan ở Acropolis, Athens vào năm 1921. Ông đã sử dụng một chiếc máy Kodak mược của người phục vụ khách sạn. Những bức ảnh, dĩ nhiên là tuyệt vời. Steichen đã không mang máy ảnh của mình theo vì kế hoạch bạn đầu chỉ là làm việc với những thiết bị làm phim. Bức ảnh này được trưng bày tại bảo tàng The Whitney trong năm 2000 – 2001.

Bạn phải học cách để quan sát và sáng tạo. Càng nhiều thời gian bạn phí phạm vào việc quan tâm đến thiết bị thì càng ít thời gian bạn còn cho việc tạo ra những bức ảnh đẹp. Hãy quan tâm đến những bức ảnh , không phải đến đồ nghề.

Ai cũng biết là nhãn hiệu của một chiếc máy đánh chữ (hay là khả năng sửa chiếc máy đó) chẳng liên quan gì đến khả năng sáng tác ra một tác phẩm văn học, cho dù một chiếc máy tốt sẽ giúp cho việc đánh máy thoải mái hơi. Vậy thì sao nhiều người lại cứ cho rằng loại máy ảnh mà người khác sử dụng hay là những kiến thức về tốc độ màn trập , cấu trúc ống kính hay công nghệ máy ảnh sẽ ảnh hưởng đến khả năng tạo ra những bức ảnh đẹp?

Cũng giống như một người cần phải biết cách sử dụng máy đánh chữ để có thể viết một kịch bản, bạn cũng phải cần biết cách sử dụng chiếc máy ảnh của mình để chụp, nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ bé trong quá trình tạo ra sản phẩm. Bạn có hình dung nào về nhãn hiệu máy tính hay phần mềm tôi dùng để tạo ra những gì bạn đang đọc hay không? Dĩ nhiên là không trừ phi bạn đọc trang about của tôi. Nó quan trọng với tôi , nhưng chẳng là gì với bạn – nhưng người độc giả. Cũng như vậy, chẳng ai lại nhìn vào những bức ảnh của bạn và kết luận hay quan tâm đến việc bạn dùng loại máy ảnh nào. Nó chẳng có ý nghĩ gì cả.

Biết cách làm một điều gì là hoàn toàn khác biệt với việc có thể làm được điều đó, và làm điều đó thật tốt thì lại còn khác xa.

Chúng ta đều biết cách chơi Piano: Chỉ cần nhấn vào các phím và đạp vào các pedal. Nhưng khả năng chơi được nó, chưa nói đến khả năng chơi một cách có hồn lại là một điều hoàn toàn khác

Đừng lầm tưởng những thứ đồ nghề mắc tiền nhất là tốt nhất. Có quá nhiều đồ nghề nhiếp ảnh là cách tốt nhất để tạo ra những bức ảnh tồi nhất.

Những chiếc máy ảnh và ống kính mắc tiền hơn không tạo ra những khác biết đáng kể so với mức giá ngất ngưỡng của chúng

Dịch sang tiếng Việt : Hồ Phước Bảo Chi

You may also like...

2 Responses

  1. Thật tuyệt vời… Love it

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.